Ngày đầu thành lập chỉ với 3 trạm phát sóng và 5 cán bộ, nhân viên, bằng chiến lược phát triển đúng đắn, sáng tạo, sau 17 năm, Viettel Gia Lai đã có hạ tầng mạng lưới rộng khắp, doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh (QPAN) trên địa bàn. Về nội dung này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thượng tá QNCN Trần Văn Thuân, Giám đốc Viettel Gia Lai.
Phóng viên (PV): Đối với một tỉnh miền núi như Gia Lai, khi bước vào thị trường, Viettel Gia Lai gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?
Thượng tá QNCN Trần Văn Thuân: Khó khăn thì nhiều, nhưng điểm dễ nhận thấy nhất là Gia Lai có diện tích lớn thứ hai cả nước; địa hình nhiều rừng núi với gần 90km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia. Gia Lai cũng có 34 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm hơn 44%; nhiều thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, hạ tầng KT-XH còn lạc hậu. Điều đó đặt ra cho Viettel Gia Lai những "bài toán khó" trong xây dựng hạ tầng mạng lưới, tuyển chọn, đào tạo nhân lực, phát triển dịch vụ...
Thượng tá QNCN: Trần Văn Thuân
PV: Vậy Viettel Gia Lai đã “giải bài toán” hạ tầng, nhân lực và dịch vụ như thế nào?
Thượng tá QNCN Trần Văn Thuân: Viettel Gia Lai nhận thức sâu sắc rằng, đưa hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tỉnh Gia Lai không chỉ góp phần nâng cao dân trí, phát triển KT-XH của địa phương mà còn củng cố, tăng cường tiềm lực QPAN trên địa bàn. Do đó, Viettel Gia Lai đã phát huy những giá trị, phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế, kiên trì, sáng tạo thực hiện chiến lược “hạ tầng đi trước, kinh doanh theo sau”. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên theo quan điểm “4T” (tận tâm, tự tin, trí tuệ, tăng trưởng) và “4C” (chuyển dịch, chất lượng, chủ động, chung sức). Triển khai các sản phẩm dịch vụ theo nhu cầu, thói quen tiêu dùng cho từng nhóm khách hàng với phương châm “lấy khách hàng làm trọng tâm”. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác bán hàng và chăm sóc khách hàng bằng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo chatbox...
Viettel Gia Lai bàn giao Trung tâm thử nghiệm điều hành thành phố thông minh Pleiku |
PV: Chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều đánh giá “Viettel Gia Lai đã có bước phát triển ngoạn mục trong những năm qua”, đồng chí có nhận xét gì về đánh giá này?
Thượng tá QNCN Trần Văn Thuân: Đánh giá như vậy cũng không quá đối với những thành tựu mà Viettel Gia Lai đã giành được. Từ ngày đầu chỉ với 3 trạm phát sóng di động phủ sóng chưa đến 5% diện tích TP Pleiku, sau 17 năm, Viettel Gia Lai đã xây dựng hạ tầng mạng lưới rộng khắp đến 100% xã, phường, thị trấn; phủ sóng 3G, 4G đến hơn 99% xã, phường, thị trấn với hơn 1.160 trạm phát sóng, mật độ phủ sóng 99% khu vực có dân cư sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai và 100% đồn biên phòng. Bảo đảm cho lực lượng biên phòng và hệ thống chính quyền từ tỉnh đến xã có thể truy cập internet, sử dụng các dịch vụ tiện ích trên internet bằng sóng 3G, 4G.
Viettel Gia Lai là nhà mạng có thị phần di động, cố định lớn nhất trên địa bàn tỉnh với 65% thị phần di động, 50% thị phần cố định, 70% thuê bao di động sử dụng dịch vụ 4G. Viettel Gia Lai cũng mang ngân hàng số ViettelPay đến với người dân vùng sâu, vùng xa nơi các ngân hàng chưa đến được. Doanh thu trung bình hằng năm hơn 900 tỷ đồng; đóng góp ngân sách nhà nước hơn 60 tỷ đồng/năm, bảo đảm thu nhập cho hơn 500 lao động.
Đặc biệt, từ năm 2018, Viettel Gia Lai bắt đầu chuyển dịch sang lĩnh vực giải pháp CNTT với việc xây dựng giải pháp ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, quản lý hành chính. Mới đây, Viettel Gia Lai đã triển khai thử nghiệm trung tâm IOC (Trung tâm điều hành thành phố thông minh Pleiku). Đây là giải pháp nổi bật hỗ trợ công tác quản lý của cơ quan chính quyền địa phương, tương tác giữa chính quyền địa phương và người dân được thuận tiện, rõ ràng, minh bạch.
PV: Viettel Gia Lai có những hoạt động nào thể hiện rõ triết lý “kinh doanh gắn liền với hoạt động xã hội” của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, thưa đồng chí?
Thượng tá QNCN Trần Văn Thuân: Trong quá trình phát triển, Viettel Gia Lai luôn hỗ trợ địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để tri ân nhân dân. Các chương trình: “Vì em hiếu học”, “Trái tim cho em”, “Quân đội chung tay vì người nghèo” và nhiều hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa được triển khai liên tục, rộng khắp, mang lại niềm vui cho hàng nghìn gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, Viettel Gia Lai trao 4.270 suất học bổng tặng học sinh giỏi từ tiểu học đến THPT với kinh phí 5,7 tỷ đồng; trao 30 xe đạp tặng học sinh nghèo học giỏi và giúp nhiều trẻ em dưới 14 tuổi có hoàn cảnh khó khăn được mổ tim miễn phí. Viettel Gia Lai cũng phối hợp với các bệnh viện khám, cấp thuốc miễn phí và tặng quà hơn 2.500 lượt gia đình chính sách...
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Viettel Gia Lai đã sát cánh, đồng hành với chính quyền và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; hỗ trợ tỉnh Gia Lai lắp đặt, vận hành 2 máy đo thân nhiệt tự động từ xa tại sân bay Pleiku, hệ thống đo thân nhiệt tự động tại 4 khu vực cách ly y tế tập trung và camera giám sát tại bệnh viện dã chiến, tổng trị giá hơn 700 triệu đồng. Viettel Gia Lai cũng tặng nhiều trang bị, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai và xây dựng công trình chẩn đoán bệnh từ xa...
Nguồn: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuyen-doi-so/viettel-gia-lai-da-co-ha-tang-mang-luoi-rong-khap-671689